Search
Close this search box.

[Báo Phụ Nữ Online] Sứ giả yêu thương – Khúc ca tráng của tình mẫu tử

sach su gia yeu thuong

sách SỨ GIẢ YÊU THƯƠNG

PNBìa cuốn sách Sứ giả yêu thương là hình hai mẹ con đang rất tình cảm bên nhau: Jeni – tác giả quyển sách và Mattie – nhân vật chính mà quyển sách đề cập. Một hình ảnh minh họa ấm áp và đầy tính chân thực nhưng có lẽ, dòng chữ phía dưới bức ảnh: “Câu chuyện khiến những người cứng rắn nhất cũng phải rơi nước mắt” mới chính là điều khiến người ta tò mò mở quyển sách ra và đọc… một mạch.

Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi, Mattie không hề biết chân lý nặng tình đó của người phương Đông. Cậu bé chỉ biết mẹ mình – Jeni, là người đàn bà vĩ đại vì đã dũng cảm đương đầu với bệnh tật để nuôi nấng và giúp các con vượt lên số phận. Từ tuổi lên sáu, cậu bé đã đi cùng mẹ nghe diễn thuyết và đến năm 11 tuổi trở thành diễn giả chính ở các trường đại học để chia sẻ về cuộc sống của một học sinh khuyết tật, cần có chương trình phù hợp với từng cá nhân (IEP). Khi Mattie nhắm mắt, tức thêm ba năm sau đó, có lẽ cậu cũng không biết những gì cậu đã ước mơ, đã thực hiện, đã quyết tâm làm và làm thành công hay thất bại đều được mẹ mình ghi chép, ghi âm cẩn thận, trân trọng như báu vật.

Lần lượt bốn con của Jeni, do di truyền, đều mắc chứng bệnh vô phương cứu chữa: loạn dưỡng cơ. Thấy bà mẹ đã trải qua quá nhiều đau khổ khi thất bại với cuộc hôn nhân của mình lại phải lần lượt tiễn đưa các con thân yêu sớm về với cát bụi, đến lượt Mattie chào đời, nhiều người đã không giấu được ái ngại mà nói thẳng “nên đưa con vào viện chăm sóc trẻ em và đợi chuyện gì đến sẽ đến”. Nhưng, Jeni không phải là người đàn bà yếu đuối, bà cứ sừng sững như thân cây bám chặt vào đất, là tấm gương để truyền cho các con mình sức mạnh tinh thần. Chính vì thế, trong mắt của Mattie, Jeni là một người mẹ anh hùng và cậu bé đã không cho phép mình làm hoen ố vầng hào quang đang phủ quanh mẹ. Mattie ý thức được cuộc sống của mình rất ngắn ngủi nhưng cậu bé bệnh tật chưa bao giờ nhụt chí, trái lại, những gì muốn làm, cậu đều quyết làm cho bằng được.

Khép quyển sách lại, người ta có thể dễ dàng đúc kết sự nghiệp lớn gấp nghìn lần so với tuổi của một cậu bé có “5.089 lần đón bình minh và hoàng hôn”. Mười bốn tuổi, cũng như các anh, Mattie thanh thản ra đi, nhưng không giống sự ra đi âm thầm của các anh mình trước đó. Tập thơ Khúc tâm ca của Mattie được thư viện Quốc hội Mỹ phát hành; Luật chăm sóc trẻ em được nhà nước điều chỉnh; công viên Hòa bình với bức tượng đồng to bằng cỡ người thật của Mattie ngồi trên xe lăn với chú chó Micah ngồi cạnh ra đời; Quỹ Mattie của Hội Loạn dưỡng cơ được thành lập; giải thưởng Sứ giả hòa bình của Quỹ We Are Family được thay tên thành Giải thưởng Mattie J.T. Stephanek dành tặng các cá nhân đã nỗ lực đóng góp cho hoạt động nhân đạo…

 – Theo Báo phunuonline.com.vn –

Sách do Nhà xuất bản Phụ Nữ phối hợp với EVOL Books phát hành

Chia sẻ lên: