Search
Close this search box.

[Báo Giáo Dục Việt Nam] Khát vọng Việt

Trần Đăng Khoa

thầy trần đăng khoa và học viên

1. Theo Diễn giả, khát vọng Việt Nam trở thành một đất nước giàu mạnh liệu có quá viển vông hay không? Chúng ta có điều kiện như thế nào để thực hiện khát vọng đó?

Tôi tin rằng khát vọng Việt Nam trở thành một đất nước giàu mạnh là một khát vọng to lớn và là một chặng đường rất dài với rất nhiều khó khăn thử thách và thay đổi. Tuy nhiên, đó chắc chắn không phải là điều viển vông vì nếu là viển vông thì không có nhiều người có tâm, có tài và có tầm vẫn ngày ngày nỗ lực vì điều đó. Làm được hay không làm được là chuyện của tương lai với nhiều biến số, nên thật ra sẽ khó nói. Cho nên, điều quan trọng là chúng tập trung vào hiện tại rằng: liệu chúng ta có đang nỗ lực hết mình vì khát vọng đó hay không.

Điều kiện nếu liệt kê ra thì chúng ta có nhiều. Báo chí cũng đã viết nhiều nên tôi không muốn liệt kê lại nữa. Chỉ xin mượn lời của nguyên thủ tướng khai quốc Singapore Lý Quang Diệu đó là: “Việt Nam là một trong những dân tộc thông minh và năng động nhất Đông Nam Á. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú và một bờ biển vừa dài, vừa đẹp, lẽ ra Việt Nam đã phải giàu mạnh từ lâu lắm rồi.”

2. Để Việt Nam trở thành đất nước hùng cường thì yếu tố khát vọng, đổi mới có vai trò như thế nào?

Dĩ nhiên cả 2 yếu tố khát vọng và đổi mới đều cực kỳ quan trọng. Nhưng tôi sẽ đặt yếu tố đổi mới lên trước. Nếu mỗi người Việt chúng ta dám nhìn lại mình để không chỉ tự hào về bản thân, mà còn để nhìn ra những điểm cần thay đổi, thì chúng ta mới có cơ hội để lựa chọn cho mình một con đường tốt hơn, dẫn đến một kết quả tốt hơn, nhanh hơn và ít trả giá hơn. Ở đây tôi muốn nói đến sự đổi mới tích cực. Nếu không có sự đổi mới tích cực này để có một con đường đúng, khát vọng chỉ khiến chúng ta đi nhanh hơn đến ngõ cụt chứ không dẫn chúng ta đến nơi mình mong muốn: một đất nước hùng cường.

3. Theo diễn giả, để khát vọng đổi mới sáng tạo đó lan tỏa, chúng ta phải làm gì?

Chúng ta phải bắt đầu từ chính bản thân mình. Thường thì đa số mọi người thích chỉ ra người khác chưa tốt chỗ này, chưa tốt chỗ kia, nhưng ít ai chịu bắt đầu từ bản thân mình. Khi phần đông xã hội đều tự trang bị cho mình cách tư duy mới thì tất nhiên xã hội ấy sẽ thay đổi. Nhưng một lần nữa, trước khi nghĩ đến cả xã hội, hãy tự hỏi mình sẽ thay đổi cách mình tư duy như thế nào?

4. Một đất nước muốn phát triển phải có nhân tài, diễn giả đánh giá như thế nào về vấn đề này? Theo tác giả Việt Nam có nhiều nhân tài không? Nếu có nhiều tại sao chúng ta vẫn chưa phát huy được những nhân tài ấy?

Có lẽ chẳng ai có thể nghi ngờ việc một đất nước muốn phát triển cần phải có nhiều nhân tài. Nhưng có lẽ phải nói rõ thêm, họ phải là những nhân tài có TÂM với đất nước. Chứ còn nếu có tài không chưa đủ. Thậm chí, có tài mà không có tâm nhiều khi còn là hiểm họa đối với đất nước vì họ sẽ trở thành những kẻ chỉ biết vơ vét cho bản thân mình. Cho nên, trước khi nghĩ đến chuyện giúp đỡ nhân tài phát huy tài năng, chúng ta phải tạo ra một xã hội khuyến khích họ sống bằng cái tâm của mình.

Con người khá dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường. Nếu nhân tài mà không có bản lĩnh thì khi sống trong một xã hội xuống cấp về đạo đức, họ cũng dễ bị nản chí hoặc thậm chí tệ hơn là chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Có lẽ, để tận dụng được người tài, trước hết đất nước ta cần có một xã hội lành mạnh để tài năng phát triển theo hướng hữu ích cho cả xã hội lẫn cá nhân họ.

5. Làm sao để chúng ta có thể giữ được nhân tài phục vụ cho đất nước?

Theo một cuộc khảo sát thì nhân tài thường cần 4 yếu tố:

1. Sự lãnh đạo anh minh, đáng tin cậy.
2. Cơ hội phát triển sự nghiệp lẫn bản thân.
3. Được công nhận những đóng góp.
4. Có thu nhập tương ứng với giá trị của họ.

Nếu đất nước ta có được 4 yếu tố đó thì tôi tin rằng những nhân tài có tâm sẽ cống hiến được cho đất nước nhiều hơn rất nhiều.

 – Doanh nhân, Diễn giả Trần Đăng Khoa –

Chia sẻ lên: